CÂU CHUYỆN VỀ “NGÓN TRỎ” CỦA WESTERN BANK
* TBVTSG: Thưa ông, ý tưởng đưa sinh trắc học vào Ngân hàng miền Tây đã có từ bao giờ? Vì sao Ngân hàng lại chọn vân tay mà không phải là khuôn mặt, chỉ tay hay như móng mắt để làm “chìa khóa” bảo mật?
- Ông Đinh Ngọc Sơn: Trong các thuộc tính sinh trắc học, chúng tôi đã chọn vân tay bởi lẽ nó gần gũi hơn với điều kiện đặc thù như hiện nay của người dùng Việt Nam, đồng thời thiết bị chuyên dụng của nó cũng đa dạng, phong phú, rẻ tiền và dễ triển khai hơn so với các công nghệ sinh trắc học khác. Thật ra, Ngân hàng miền Tây đã bắt đầu triển khai thử nghiệm dịch vụ mới này từ năm 2006. Tuy nhiên, chúng tôi đã không vội loan báo ra bên ngoài vì chưa rõ hiệu quả thật sự của công nghệ mới này sẽ đi đến đâu. Thôi thì, cứ để “người nhà” dùng thử rồi mới tính tiếp. Sẽ là vô lý nếu như bạn mang đến cho khách hàng một dịch vụ mà bản thân bạn lại không dùng được hoặc chưa từng kinh qua. Buổi đầu, chúng tôi chỉ triển khai thử nghiệm cho một vài phòng ban. Sau này thấy hay nên đã tiến hành nhân rộng để mọi nhân viên sử dụng, từ việc đăng nhập máy tính, chấm công tự động, rút tiền cho đến ra vào các khu vực xung yếu. Giờ thì mọi thứ cũng đã vận hành đúng như mong đợi. Vì vậy, mãi đến hôm nay, chúng tôi mới chính thức ra mắt người dùng. Hơn nữa, hạng mục đầu tư công nghệ này rất thích hợp với điều kiện tài chính của chúng tôi. Chỉ với một hệ thống thông tin và hạ tầng máy tính cơ bản là bạn đã có thể triển khai được ứng dụng sinh trắc học này. Thông qua dịch vụ nói trên, chúng tôi tin tưởng rằng mình sẽ tiếp tục tạo ra những đặc nét kinh doanh độc nhất vô nhị.
* Điều gì sẽ xảy ra nếu như khách hàng gặp phải trục trặc khi giao dịch bằng vân tay?
* Bao giờ thì Ngân hàng miền Tây mới chính thức triển khai ứng dụng sinh trắc học này trên diện rộng?
- Hiện tại, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục thử nghiệm dịch vụ mới này và làm nốt những công việc còn lại có liên quan. Dự kiến, vào tháng 6 tới đây, Ngân hàng miền Tây sẽ lắp đặt 45 máy ATM (cho toàn bộ hệ thống của chúng tôi trên phạm vi toàn quốc) vừa hỗ trợ giao dịch bằng các loại thẻ truyền thống, vừa được tích hợp thêm dịch vụ giao dịch ngân hàng bằng vân tay để người dùng tùy chọn. Sẽ có khoảng 8.000 thân chủ đầu tiên của chúng tôi được dịp thụ hưởng công nghệ độc đáo này. Đối với những khách hàng không phải là thành viên của Ngân hàng miền Tây, chúng tôi vẫn cung cấp dịch vụ mới này. Nhưng họ sẽ phải đóng một cước phí thuê bao tượng trưng là 150.000 đồng/tháng nếu như số dư trong tài khoản của họ dưới 10 triệu đồng. Thế nhưng, trong tương lai không xa, chúng tôi sẽ phải thu phí đối với mọi đối tượng khách hàng (kể cả các thành viên của Ngân hàng miền Tây). Điều này sẽ giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của người dùng, đồng thời giúp cho chúng tôi có một khoản tiền nhất định để bảo dưỡng thiết bị, nâng cấp hệ thống hoặc mua thêm máy mới.
* Chân thành cảm ơn ông đã dành cho TBVTSG buổi trao đổi thú vị này.
LÊ NGUYỄN BẢO NGUYÊN
(thực hiện)
MÁY QUÉT VÂN
Thật ra, ý tưởng về một loại thiết bị điện toán hóa có thể đọc hiểu vân tay đã xuất hiện cách đây từ nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, mãi cho đến đôi ba năm trở lại đây, thì những chiếc máy quét này mới chính thức đi vào cuộc sống, sau một thời gian dài nằm trong phòng thí nghiệm. Hiện tại, công nghệ sinh trắc học (biometric technologies) đã bắt đầu phát triển mạnh và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh công cộng cho đến bảo mật máy tính. Chỉ cần ấn ngón trỏ của bạn lên các thiết bị sử dụng vân tay là bạn đã có thể đăng nhập máy tính, mở cửa nhà, khởi động chiếc ô tô của mình và thậm chí rút tiền tại các ngân hàng. Trong một chừng mực nào đấy, thì bảo mật bằng vân tay đã giúp giải phóng con người khỏi những xâu chìa khóa nặng trịch hay như các loại mật khẩu khó nhớ!
Về cơ bản, máy quét vân tay hiện có 2 loại đó là máy quét quang học (optical scanner) và máy quét điện dung (capacitance scanner). Mỗi loại đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Đối với máy quét quang học, thì bộ cảm biến CCD chính là trái tim của cả hệ thống nhận diện vân tay. Thiết bị này sẽ sử dụng các chùm tia đi-ốt nhạy sáng (còn được gọi là quang cực – photosites) có thể tạo sinh tín hiệu điện tử để phản hồi các lượng tử ánh sáng (photons). Mỗi quang cực như thế sẽ lưu trữ được một ảnh điểm. Và như vậy, mẫu vân tay của bạn sẽ được chụp bằng cách sử dụng rất nhiều quang cực. Kế đến, bộ chuyển đổi tín hiệu từ analog sang kỹ thuật số bên trong máy quét sẽ tự động gán một mã hiệu cụ thể cho mẫu vân tay vừa được quét. Trong suốt quá trình xử lý, máy quét quang học có thể báo lỗi nếu như mẫu vân tay chụp được quá tối, thiếu nét hoặc có độ phân giải kém. Hạn chế của loại máy quét quang học đó là nó không thể nhận biết vân tay còn “sống” hay đã “chết”. Ví dụ: Nếu kẻ cướp cắt đi ngón trỏ của bạn và dùng nó để đăng nhập hệ thống hoặc thiết bị, thì máy quét vẫn chấp nhận!
Trái với máy quét quang học, máy quét điện dung sẽ sử dụng bộ cảm biến điện dung. Thiết bị này được cấu thành bởi một hoặc nhiều con chip bán dẫn có chứa các tế bào điện cực tí hon. Mỗi tế bào như vậy sẽ bao gồm 2 bản dẫn điện được bảo vệ bằng một lớp cách điện. Bộ cảm biến này sẽ được kết nối với một máy tích phân. Nguyên lý lưu trữ vân tay của máy quét điện dung chủ yếu dựa vào hiện tượng khuếch đại điện nghịch. Ưu điểm của máy quét điện dung đó là nó đòi hỏi bạn phải cung cấp ngón trỏ còn “sống”. Ngoài ra, do được trang bị các con chip bán dẫn, nên máy quét điện dung thường tỏ ra gọn nhẹ hơn so với máy quét quang học vốn sử dụng các bộ cảm biến CCD. Tuy nhiên, giá thành của máy quét điện dung hiện tại còn rất đắt!
LÊ NGUYỄN BẢO NGUYÊN
(Tổng hợp từ How Stuff Works và Wikipedia)