Đào tạo & Việc làm
“CON CÁ” VÀ “CẦN CÂU”:
Bạn chọn cái nào?
Thực trạng đào tạo nhân lực CNTT-TT của Việt Nam nói chung và của ĐBSCL nói riêng trong những năm qua tuy có đổi mới, song vẫn còn tồn tại tình trạng “sinh viên luôn luôn lắng nghe nhưng… lâu lâu mới hiểu” hoặc “biết chết liền” (như theo cách nói cửa miệng của các em)! Người học thì dồn hết trách nhiệm vào người dạy. Người dạy thì cho rằng người học thiếu chủ động. Còn nhà tuyển dụng thì cứ luôn miệng than phiền về chất lượng đào tạo. Vậy làm thế nào để gắn kết 3 đối tượng này lại với nhau? Lời giải dường như đã rõ ràng hơn qua buổi giao lưu (do Thời báo Vi tính Sài Gòn tổ chức) giữa lãnh đạo của các doanh nghiệp phần mềm đang rất thành đạt tại Việt Nam với gần 1.000 sinh viên thuộc khoa CNTT của các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong khu vực ĐBSCL (TP. Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp). Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là việc các bạn trẻ đã biết được nên chọn cái nào giữa “con cá” (để có được mảnh bằng tốt nghiệp “tuyệt đẹp”) và “cần câu” (để có được công việc trên cả mong đợi)…
SINH VIÊN CNTT-TT: BẠN LÀ AI?
Quả thật chẳng dễ chút nào khi có ai đấy yêu cầu bạn hãy tự đánh giá ưu điểm và hạn chế của bản thân. Sinh viên CNTT-TT cũng không phải là ngoại lệ. Thế nhưng, vấn đề đáng nói ở đây chính là việc các em chưa được tư vấn và cũng chưa thật sự dành nhiều thời gian để hiểu… chính mình?! Chẳng biết mấy bạn “mần ăn” thế nào mà khi đi đến đâu, chúng tôi cũng nghe doanh nghiệp… “mắng vốn”! Tất cả đều than phiền rằng họ đã mất rất nhiều thời gian để tái đào tạo nhân viên và chất lượng của các ứng viên trúng tuyển chỉ ở mức “tàm tạm”!
Trước khi đi về miền Tây để tham gia giao lưu với sinh viên khoa CNTT-TT của ĐBSCL, ông Phí Anh Tuấn (Giám đốc Chi nhánh phía Nam của Công ty CMC) đã có một bài tham luận rất hay tại Hội thảo “Việt Nam: Cường quốc nhân lực phần mềm vào năm 2015” – một hoạt động trong khuôn khổ của Triển lãm quốc tế phần mềm và giải trí điện tử 2007 (ISGAF 2007) lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM. Trong phần trình bày của mình với các chuyên gia CNTT và doanh nghiệp, ông đã phác họa chân dung hiện nay của nguồn nhân lực trẻ CNTT Việt Nam: “Công tâm mà nói thì sinh viên có khá nhiều điểm mạnh, chẳng hạn như mức độ năng động, khả năng tiếp cận với mặt bằng chung về công nghệ trong khu vực và trên toàn thế giới, nền tảng kiến thức chuyên môn, tư duy sáng tạo và tính sẵn sàng chấp nhận thay đổi. Tuy nhiên, phần lớn sinh viên tốt nghiệp đều chưa thể bắt tay ngay vào công việc của doanh nghiệp, không biết cách tự học, thiếu kỹ năng “mềm”, dễ nản lòng khi gặp phải khó khăn và thường hay có tâm lý khu trú cho riêng công việc của mình. Trái lại, mẫu nhân viên mà chúng tôi mong muốn phải là những người am hiểu thực tế doanh nghiệp, biết áp dụng ngay kiến thức đã học vào công việc, có tinh thần cầu tiến và ham học hỏi, tôn trọng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và biết kết hợp kỹ năng mềm để giải quyết sự vụ”.
Là công ty phần mềm đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn CMMI mức 5, FCG Việt Nam hiện đang có nhu cầu rất cao về nhân lực CNTT. Thế nhưng, công ty này vẫn chưa tuyển được những ứng viên ưng ý nhất. Ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty FCG Việt Nam, cho biết: “Chỉ có 20% ứng viên qua được phỏng vấn vòng một, 10% vượt tiếp vòng hai và còn… 8% được nhận vào làm nhưng với điều kiện phải sớm cải thiện trình độ giao tiếp bằng tiếng Anh! Sinh viên CNTT-TT dường như chỉ biết duy nhất cái nghề lập trình viên, trong khi còn rất nhiều cơ hội việc làm khác đang chờ họ đến “nhận”, chẳng hạn như các chức danh: quản lý cao cấp, trưởng đề án, tư vấn giải pháp, phân tích nghiệp vụ, thiết kế kiến trúc hệ thống, thiết kế giao diện, chuyên viên đồ họa, trưởng nhóm hoặc chuyên viên thử nghiệm, biên soạn tư liệu và hướng dẫn sử dụng phần mềm, v.v…”.
3 CÂU HỎI NHỎ VÀ 3 BÀI HỌC LỚN
Trong những năm gần đây, chức danh CIO tại Việt Nam đã được trả về đúng nghĩa. Quyền lợi của cái nghề nói trên theo đó gia tăng đáng kể. Bản thân sinh viên cũng nhận ra điều này nên rất muốn theo đuổi đến cùng. Liệu rằng, các bạn trẻ có thể “đi tắt đón đầu” khi cố bỏ qua những công việc mang tính chuyển tiếp để ngồi ngay chiếc ghế “nóng” Giám đốc CNTT hay không?
Chỉ bằng 3 câu hỏi đơn giản bằng tiếng Anh, nhưng ông Nguyễn Cao Tùng (Giám đốc Công ty Ndex Technologies – tiền thân là Công ty Tân Thiên Niên Kỷ) đã mang đến cho sinh viên khoa CNTT-TT của ĐBSCL những bài học hết sức thú vị và sâu sắc. Ở câu hỏi đầu tiên (Phiên bản mới nhất của trình duyệt Web mã nguồn mở Mozilla Firefox trong năm 2007 là gì?), gần như tất cả sinh viên đều cho rằng đó là 2.0.0.7. Tuy nhiên, câu trả lời chính xác phải là 3.0 Alpha 8 (Gran Paradiso). Ông Nguyễn Cao Tùng phân tích: “2.0 là phiên bản hiện được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Còn 3.0 là phiên bản đang trong giai đoạn thử nghiệm. Thế nhưng, trong vai trò thủ lĩnh doanh nghiệp, bạn cần phải nắm bắt kịp thời mọi thông tin có liên quan đến những sản phẩm mang tính chất nền tảng và trọng yếu như Firefox nhằm kịp thời điều chỉnh kế hoạch phát triển cho các sản phẩm của công ty bạn - những phần mềm phụ thuộc rất nhiều vào Firefox. Nếu chỉ biết duy nhất phiên bản 2.0 và cứ dốc hết công sức chế tạo phần mềm của mình trên nền tảng đó, thì khi phiên bản 3.0 chính thức ra mắt người dùng, liệu bạn có kịp xoay chuyển tình thế hay không?”. Trong lĩnh vực CNTT-TT, nữ giới hoàn toàn có thể trở thành CIO. Một vấn đề không mới nhưng trên thực tế có bao doanh nghiệp biết đánh giá đúng, tin dùng và cất nhắc những nữ kỹ sư tài năng lên làm lãnh đạo bộ phận ICT?! Vì vậy, sẽ là không thừa khi ông Nguyễn Cao Tùng nhắc nhở vấn đề này với sinh viên. Còn ở câu hỏi cuối cùng (CIO được viết tắt từ cụm từ nào), đã không có một câu trả lời nào khác ngoài chữ Chief Information Officer. Thật ra, CIO còn là từ viết tắt của Chief Intelligence Officer nhằm nhấn mạnh đến năng lực tích hợp tri thức để giải quyết công việc.
Trước khi đưa ra những lời khuyên cụ thể cho nghề CIO. Ông Nguyễn Cao Tùng đã hỏi sinh viên rằng, đứng ở góc độ của người làm CNTT, bạn sẽ làm gì để có thể phát hiện được những sự cố nghiêm trọng của một cây cầu trước khi nó bị sập? Chỉ có duy nhất một giải pháp chấp nhận được đó là cần phải gắn những thiết bị cảm biến thu nhận tín hiệu âm thanh dưới gầm cầu rồi kết hợp với phần mềm đặc chủng để xác định kịp thời những vết nứt. Ví dụ trên đã giúp sinh viên nhận ra được tầm quan trọng của việc tích hợp tri thức theo hướng đa cấp, đa ngành. Ông Nguyễn Cao Tùng đã chia sẻ những bí quyết để trở thành một CIO giỏi: “Các bạn hãy tập thói quen tái phân tích những việc đã gặp, sau đó kết hợp với công việc của mình. Năng đọc sách báo cũng là một yêu cầu. Luôn hỏi tại sao như cách mà bạn đã từng làm khi còn bé. Nhưng trên hết vẫn là việc dũng cảm thừa nhận những mặt yếu kém và sai lầm của mình”.
Ông Phí Anh Tuấn cũng góp thêm kinh nghiệm cho sinh viên: “Các bạn đang đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường lao động hi-tech. Để thành công, các bạn cần thật sự yêu nghề, chuyên cần học tập, tránh nhìn ngang nhìn dọc, chú trọng tích lũy kỹ năng “mềm”, rèn luyện ý thức kỷ luật, sức khỏe, đạo đức, phải tập thói quen làm việc theo nhóm và tham gia nhiều hơn cho các hoạt động ngoại khóa. Bạn sẽ chỉ nhớ được 10% những gì bạn học nhưng lại nhớ đến 80% những gì bạn làm”.
ĐỪNG ĐỔ HẾT “DÂU” LÊN ĐẦU… NHÀ TRƯỜNG!
Đã có không ít sinh viên CNTT-TT còn mắc chứng “bệnh”… “đổ thừa” mỗi khi đi thực tập hoặc chính thức vào làm cho các doanh nghiệp với những câu đại khái như: “Môn này trường em không có dạy”, “Cái đó thầy em chưa chỉ”, “Việc kia cô em không có bảo làm”, v.v… Vậy thực hư thế nào?
Tôi đã từng tận mắt chứng kiến một nhân viên trực phòng máy phân bua với chủ đại lý Internet công cộng rằng do anh không được… học cách sử dụng trình nhắn tin tức thời Yahoo! Messenger và game trực tuyến ở trường (vì những nội dung này bị… “cấm” sử dụng trong lúc đi thực hành?!), nên bây giờ anh không biết phải hướng dẫn cho khách hàng như thế nào khi họ yêu cầu trợ giúp! Người chủ bèn nói với anh rằng tại sao anh không tranh thủ tự học những thứ Nhà trường không… “dạy” để phục vụ cho những công việc mà thực tế đang rất cần?! Đến đây, anh ta mới thôi “tại, bị”!
Suy cho cùng, sinh viên cũng nên soi lại mình trước khi “trách hờn” thầy cô. Sẽ là không thể nếu như các bạn luôn chờ Nhà trường mang sẵn “cá” đến cho mình dùng. Tất cả những gì mà giáo viên có thể trang bị được cho sinh viên đó là “chiếc cần câu” và “cách đi câu”. Còn “câu” ở đâu và cần loại “mồi” gì, tự bạn phải chủ động nghiên cứu, sáng tạo. PGS. TS. Đồng Thị Bích Thủy (Giám đốc Trung tâm Tin học – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM) đã “phản pháo” trước “tật” xấu nói trên: “Sinh viên chỉ biết trau chuốt cho bảng điểm hơn là kiến thức. Kết quả là các em đã mất rất nhiều thời gian vì phải nghe giảng cùng một môn học tại nhiều lớp học, dẫn đến việc không thể hoàn tất nội dung thực hành. Sinh viên cũng không biết cách liên kết kiến thức của nhiều môn học trong cùng một đồ án. Các em đã hiểu sai về kỹ năng làm việc theo nhóm (thường thì cố gắng chia năm xẻ bảy công việc, giao cho từng thành viên thực hiện rồi ghép lại với nhau, thay vì tất cả phải cùng thảo luận và giải quyết vấn đề dựa trên sức mạnh tập thể)”.
Dường như ông Ngô Văn Toàn (Quyền Phó Tổng Giám đốc Công ty Global Cybersoft) chia sẻ cùng một quan điểm với bà Đồng Thị Bích Thủy. Để giúp sinh viên “ngộ” ra được “cội nguồn”, thay vì trình bày một tham luận chuyên sâu, ông đã kể cho các em nghe câu chuyện về những nhân vật trong các tác phẩm văn học của Kim Dung. Tựu trung lại có thể đúc kết thành 3 triết lý sống rất bổ ích cho sinh viên. Thứ nhất, điểm số trong học tập là cần thiết để tạo hình ảnh tốt đẹp trong mắt nhà tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, chúng phải phản ánh năng lực đích thực của bạn. Thứ hai, đừng quan trọng hóa là bạn ra từ “lò” nào. Vấn đề là ở chỗ bạn đã bước ra khỏi nơi ấy như thế nào và đã có được những thứ gì. Cuối cùng, ghi nhớ chỉ là chuyện nhỏ. Hiểu và vận dụng thành công những thứ đã được tích lũy vào thực tế công việc mới là chuyện lớn.
DOANH NGHIỆP BẮT ĐẦU NHẬP CUỘC
Dự báo, đến năm 2010, sẽ có một làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam trong khi thị trường nhân lực CNTT-TT của ta rất có thể sẽ không đáp ứng kịp thời! Với sức mạnh tài chính và chiến thuật “săn đầu người” thuộc hàng “cao thủ”, doanh nghiệp nước ngoài có thể sẽ “thu phục” thành công những trụ cột của các công ty phần mềm trong nước. Quan ngại trước nguy cơ bị chảy máu chất xám, nhiều doanh nghiệp của ta hiện đang tranh thủ “chiêu binh” từ khắp mọi nơi, nhưng xem ra vẫn còn chưa đủ cơ số. Vì quá sốt ruột cũng như không thể cứ ngồi than phiền chất lượng đào tạo của các trường, một số công ty phần mềm trong nước đã quyết định rời khỏi “băng ghế chỉ đạo” của “huấn luyện viên” để bước vào “sân cỏ” sát cánh cùng với nhà trường và sinh viên.
Hiện tại, Việt Nam đã có khá nhiều trường đại học tư thục về CNTT, chẳng hạn như FPT, Hoa Sen, RMIT Việt Nam và sắp tới sẽ là Đại học Vinasa và TMA. Những doanh nghiệp khác đã chọn phương án “tiến công” vào thẳng “doanh trại” của các trường, thay vì đi theo xu hướng “mở lò đào tạo” cho riêng mình. Khơi mào cho “trường phái” này chính là sự hợp tác chặt chẽ của CMC với nhiều trường đại học trên khắp đất nước nhằm mang đến cho sinh viên CNTT-TT cơ hội được tiếp cận công việc thực tế của công ty ngay từ năm thứ 2, thay vì phải đợi cho đến khi được đi thực tập hoặc sắp tốt nghiệp.
Cách đây không lâu, Công ty Misa đã tài trợ phần mềm Misa SME 7.9 và Misa Mimosa 2006 với tổng giá trị lên đến 774 triệu đồng cho Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ để giảng dạy cho sinh viên Khoa Tài chính Kế toán của trường. Ông Lữ Hồng Chương (Phó Tổng Giám đốc Công ty Misa) cho biết: “Kể từ năm 1998, MISA đã từng bước chuyển giao chương trình phần mềm kế toán MISA cho nhiều trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Sự kiện này cũng không nằm ngoài lộ trình nói trên. Mục đích của chương trình là nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT theo hướng gắn kết Nhà trường với thực tiễn của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể hòa nhập nhanh với công việc chuyên môn”.
Nhân buổi giao lưu với sinh viên khoa CNTT-TT của ĐBSCL, ông Thẩm Văn Hương (Phó Giám đốc điều hành Công ty cổ phần giải pháp phần mềm Phúc Hưng Thịnh) đã có nhã ý trao tặng phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) B4U trị giá 50.000 USD để Trường Đại học Cần Thơ có thể sớm chuyển hóa thành môn học cụ thể và đưa vào giảng dạy cho sinh viên Khoa CNTT-TT và sinh viên quản trị kinh doanh của Trường. Tất cả những việc làm nói trên của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ góp phần giải tỏa nỗi lo không có kinh nghiệm thực tế mà sinh viên tốt nghiệp vẫn hay gặp phải mỗi khi tham gia phỏng vấn tìm việc.
Nhận xét về buổi giao lưu, TS. Lê Quyết Thắng (Trưởng Khoa CNTT-TT - Trường Đại học Cần Thơ) bộc bạch: “Đã lâu lắm rồi sinh viên ĐBSCL mới có được một buổi học tập kinh nghiệm đạt chất lượng cao như thế. Cái “chất” “Hai Lúa” của các em dường như đang dần được “gột rửa”. Không thể cứ bảo sinh viên miền Tây là người “cù lần” bởi lẽ các em đã biết quan tâm đến những vấn đề hiện đang rất nóng trong lĩnh vực đào tạo-việc làm CNTT, chẳng hạn như tình trạng bị tái đào tạo, kinh doanh quyền sở hữu trí tuệ, nghề làm CIO hoặc tester, công nghệ và thiết bị nhúng, v.v… Tôi cho rằng sinh viên ĐBSCL đang rất khát những buổi tọa đàm có chiều sâu như thế này”.
… Gặp nhau đây rồi chia tay. Rời TP. Cần Thơ, song tất cả những hình ảnh của buổi đầu gặp gỡ với sinh viên ĐBSCL sẽ mãi mãi không phai đối với ê kíp Thời báo Vi tính Sài Gòn . Có lẽ không ai trong chúng ta quên được phong cách độc nhất vô nhị của mỗi báo cáo viên, giọt nước mắt và tiếng nấc của MC Hồng Giang khi chứng kiến cảnh trao học bổng cho bạn Nguyễn Thanh Loan, vô số cánh tay giơ cao để giành quyền giải đáp ô chữ CNTT bằng tiếng Anh, nhiều lời khuyên chân tình của các doanh nhân thành đạt, những giọt mồ hôi thấm đẫm vai áo của lực lượng hậu cần và nụ cười rạng rỡ trên môi của các bạn sinh viên như muốn thay cho lời cảm ơn trước tấm lòng của người Sài Gòn dành cho miền vùng sông nước. Nói về ĐBSCL, đã không ít người cho rằng vẫn còn “lúa” lắm, đặc biệt là lĩnh vực CNTT-TT. Nhưng phải làm gì để giúp cho mảnh đất này hết “trũng”? Câu trả lời chỉ có khi tất cả đều cùng nhìn về một hướng!
LÊ NGUYỄN BẢO NGUYÊN