Thursday, May 29, 2008

24 bí quyết cho nghề IT trong năm 2008

Đào tạo – Việc làm

24 BÍ QUYẾT CHO NGHỀ IT TRONG NĂM 2008

Kết quả điều nghiên mới nhất của Computerworld cho thấy thị trường lao động CNTT trong năm 2008 sẽ mang đến cho người lao động rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho họ cũng chẳng nhỏ tí nào, bởi lẽ đa phần doanh nghiệp đều hướng đến một mẫu nhân viên toàn mỹ, cho dù phải thuê với giá rất đắt. Vậy làm thế nào để có thể khẳng định được mình trong bối cảnh mới? Dưới đây là những chia sẻ hết sức chân tình của các nhà tuyển dụng lao động IT hàng đầu thế giới dành cho những ai đang tìm việc…

ĐỂ THÀNH CÔNG HƠN KHI TÌM VIỆC

Dự báo, thị trường lao động IT trong năm 2008 sẽ thật sự bùng nổ. Nhà tuyển dụng sẽ có nhu cầu rất lớn về nhân lực. Tuy nhiên, phải là chất lượng cao. Nếu chỉ dựa vào mảnh bằng kỹ sư Tin học và thậm chí cả kinh nghiệm thực tế, thì chưa chắc bạn đã có thể lọt đến vòng “chung kết”. Sau đây là 8 bí quyết có thể giúp bạn cải thiện đáng kể xác suất trúng tuyển.

1. Chuẩn bị mọi thứ cho buổi phỏng vấn: Thoạt nghe có vẻ tầm thường, nhưng hàm ý của lời khuyên này là rất bổ ích. Trong tương lai, các nhà tuyển dụng sẽ không chỉ kiểm tra kiến thức và năng lực của bạn ở khía cạnh chuyên môn, mà còn muốn biết liệu bạn có am tường cả những lĩnh vực khác hay không. Họ sẽ đưa ra tình huống cụ thể và yêu cầu bạn cho biết giải pháp. Và câu trả lời của bạn cũng chính là thực lực và khả năng giao tiếp của bạn.

2. Hãy nói về chuyện kinh doanh: Nhà tuyển dụng thường tỏ ra hứng thú khi phỏng vấn những ứng viên rất giỏi chuyên môn. Tuy nhiên, đó chỉ mới là điều kiện cần. Vì vậy, bạn cần cho họ biết rằng bạn cũng biết cách hái ra tiền cho công ty từ những hệ thống CNTT, phần mềm và cả ý tưởng kinh doanh của mình.

3. Tìm việc qua mạng xã hội: Tuy đây chưa phải là kênh tuyển dụng chính thống, song hiện tại đã có rất nhiều công ty khai thác. Bởi thế, bạn cũng nên tranh thủ cơ hội này để tiếp cận họ. Một số doanh nghiệp cho rằng nhờ vào các mạng xã hội, mà họ đã tuyển được những ứng viên sáng giá. Theo họ, mạng xã hội còn là nơi thể hiện rõ nét nhất khả năng giao tiếp của người xin việc.

4. Chăm chút hồ sơ xin việc: Hãy thật sự tỉ mỉ với vấn đề chính tả và chữ viết tay trong hồ sơ xin việc. Cố gắng diễn đạt sao cho ngắn gọn và dễ hiểu.

5. Chứng minh khả năng làm việc độc lập: Chỉ ghi lại trong hồ sơ xin việc những thành quả đã đạt được trong quá khứ bằng chính năng lực của bạn (không có sự hỗ trợ của những người khác). Không ai thích thuê những người mà luôn phải phụ thuộc vào người khác trong tác nghiệp.

6. Thể hiện tinh thần ham học: Nhà tuyển dụng thường có xu hướng săn tìm những ứng viên luôn khát khao có được tri thức mới và tinh thần cầu tiến. Hãy tranh thủ đạt được những chứng chỉ trong các lĩnh vực và công nghệ đang sốt của thị trường lao động IT để cải thiện khả năng nhạy bén về kinh doanh.

7. Đừng từ chối những công việc dù là nhỏ nhất: Nếu chưa tìm được một việc làm toàn thời gian đúng như ý muốn, thì bạn cũng đừng bị động đợi chờ. Cứ thử làm những công việc bán thời gian khác hoặc theo thời vụ. Nếu làm tốt, thì đó cũng là cách nhanh nhất để giúp bạn chinh phục cảm tình của nhà tuyển dụng. Biết đâu chừng họ sẽ đổi ý hoặc giới thiệu bạn cho những công ty khác có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc lâu dài.

8. Cố gắng làm tốt trong thời gian thử việc: Đừng tự ái nếu như họ chỉ ký tạm hợp đồng lao động với bạn. Hãy thể hiện những năng lực đặc biệt của bạn trong suốt giai đoạn ngắn ngủi nhưng cực kỳ quan trọng này. Lập trình phần mềm mã nguồn mở là một trong những lĩnh vực dự báo sẽ rất khan hiếm lao động trong năm 2008.

HÀNH TRANG CHO NGƯỜI CẦU TIẾN

Càng cao danh vọng càng dày gian nan! Nếu muốn nhanh chóng thăng tiến nghề nghiệp trong năm 2008, thì ngay từ bây giờ bạn cần tích lũy và “mài giũa” 8 kỹ năng cực kỳ quan trọng sau đây:

1. Kiến thức và kỹ năng bảo mật: Đã qua rồi cái thời mà hầu như tất cả những vấn đề có liên quan đến bảo an máy tính đều đổ dồn về phía các nhân viên an toàn thông tin (CSO) trong doanh nghiệp. Trong tương lai, mọi nhân viên đều phải biết cách xử lý những tình huống cơ bản về bảo mật, chẳng hạn như phòng chống virus máy tính, phục hồi dữ liệu sau thảm họa, v.v…

2. Tái tổ chức công việc: Hiện tại, đang có khá nhiều công ty chuyển đổi quy trình kinh doanh từ kiểu tách biệt theo phòng ban sang hướng gắn kết tất cả thành một luồng công việc duy nhất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhân viên IT sẽ phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với tất cả những thành viên khác trong tổ chức nhằm đảm bảo rằng hệ thống CNTT do họ phát triển có thể liên thông ổn định ở mọi bộ phận.

3. Tập hợp dữ liệu hỗ trợ quyết định kinh doanh: Bạn phải biết cách thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu từ nhiều bộ phận khác nhau trong công ty, thay vì chỉ khu trú trong lĩnh vực IT. Lúc này, dữ liệu mới thật sự là “mỏ vàng” vì nó có thể giúp sếp của bạn tự tin và khách quan hơn trong việc điều chỉnh chiến lược tiếp thị hoặc kế hoạch cải tiến sản phẩm.

4. Hãy tỏ ra linh động, tháo vát và đa năng: Là một nhân viên IT, đương nhiên là bạn cần phải giỏi về IT. Thế nhưng, CNTT sẽ có rất nhiều lĩnh vực mới mà bạn cần phải chủ động theo dõi và tự học để tránh bị tụt hậu.

5. Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất: Ý thức kỷ luật không chỉ được thể hiện thông qua khối lượng và chất lượng của những công việc mà bạn được sếp giao phó. Nó còn được đánh giá bằng chính thái độ giao tiếp và tinh thần tương trợ đồng nghiệp trong lúc họ gặp phải khó khăn về mặt nghiệp vụ.

6. Bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh: Trong năm 2008, nhà tuyển dụng sẽ đào sâu về khả năng nhạy bén trong kinh doanh của các ứng viên. Biết thêm kỹ năng tiếp thị, quản trị và tài chính sẽ là một ưu thế.

7. Hữu hình hóa giá trị của bạn: Không giống như các nghề nghiệp khác thuộc lĩnh vực tài chính, tiếp thị, quản lý nhân sự, v.v…, công việc của một nhân viên IT đôi lúc rất khó xác định được giá trị đóng góp cho công ty bởi lẽ nó thường vô hình. Nguyên nhân là do hiện nay chưa có một bộ chuẩn chung về lượng giá lao động CNTT. Tuy nhiên, bạn hãy cố gắng tìm cách thể hiện giá trị của mình sao cho mọi người đều có thể nhìn nhận.

8. Năng lực tự quản: Nhiều công ty đang muốn nhân viên của mình đừng quá phụ thuộc vào sếp, từ cách tư duy, lối làm việc cho đến khả năng tự kiểm soát giờ giấc lao động. Không ai có thể nhớ hết và nhắc nhở bạn nên kiếm thêm bằng cấp gì để có thể thăng tiến nghề nghiệp vì đó chính là quyền lợi của bạn!

KHI NÀO BẠN NÊN TÌM VIỆC LÀM MỚI?

Không ai muốn mình phải từ bỏ công việc yêu thích đang làm để tìm kiếm một nghề nghiệp mới. Tuy nhiên, sẽ có một ngày bạn buộc phải nghĩ đến điều này! Sau đây là 8 dấu hiệu cho biết đã đến lúc bạn nên ra đi để mưu cầu cho bản thân mình một tương lai khác sáng sủa hơn.

1. Vai trò của bạn ngày càng mờ nhạt: Bạn đã cống hiến rất nhiều cho công ty. Sếp bạn cũng từng hứa hẹn sẽ sớm tăng lương, lên chức hoặc chí ít giao phó những công việc đúng với sở trường của bạn. Nhưng nếu mọi thứ chỉ dừng lại ở mức “ghi nhận”, hay như sếp bạn chuyển hết những chuyện mà bạn đang làm cho một nhân viên khác, thì đó là một dấu hiệu rõ ràng về việc bạn bị “thất sủng”. Mọi sự thăng tiến nghề nghiệp đều được hữu hình hóa và cụ thể hóa trên bản hợp đồng lao động. Hãy dành thời gian phân tích những gì mà bạn đã mang đến cho công ty với những gì mà công ty đã đáp lại để rồi tự tin đi đến quyết định sau cùng. Nếu cảm thấy vai trò của mình dường như không còn, thì âu cũng là thời điểm mà bạn nên chia tay!

2. Bạn đã “đụng nóc”: Nếu tình trạng không thể học được thêm điều mới, việc mới hay như chẳng thể cải thiện được nghề nghiệp diễn ra trong một thời gian dài (2 hoặc 3 năm), thì e rằng bạn đã bị “bão hòa”. Đi hay ở lại là tùy bạn.

3. Bạn đang bị cô lập: Thông thường, cứ mỗi 12 cho đến 60 tháng một lần, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi chiến lược. Trong vai trò của một giám đốc CNTT (CIO), nếu thấy “ông tổng” của bạn không hề đá động gì đến lĩnh vực IT trong những kế hoạch mới hoặc nếu có đưa vào chương trình hành động nhưng chỉ ở mức thứ cấp, thì chắc chắn là bạn đang bị ruồng bỏ hết sức “tế nhị”. Mọi thứ có thể sẽ tồi tệ hơn nếu như bạn “được” điều chuyển sang làm một công việc gần như chỉ để “làm kiểng” hoặc có chức năng và quyền hạn thấp hơn những gì mà bạn đang có. Khi ấy, có lẽ bạn nên chủ động tìm kiếm cho mình một cơ hội mới.

4. Bạn không được tín nhiệm như trước: Tuy đang nắm giữ vị trí trọng yếu trong bộ phận IT của doanh nghiệp, nhưng “ông tổng” của bạn ngày càng ít mời và thậm chí không muốn mời bạn tham dự các cuộc họp quan trọng của công ty. Nếu đúng như thế, thì bạn nên chủ động nói lời chia tay trước khi bị… chia tay! Đối với nhân viên IT cũng vậy. Nếu đã từng được tuyển chọn để triển khai những dự án mới, nhưng đùng một cái, bạn bị gạch tên ra khỏi danh sách hoặc chỉ được giao việc theo kiểu hình thức, thì đó cũng là thời điểm bạn nên ra đi.

5. Ảnh hưởng của bạn ngày một yếu ớt: Chẳng phải chỉ có CIO mới có tầm ảnh hưởng sâu rộng lên tổ chức. Mọi nhân viên IT đều có những tác động nhất định, chí ít là trong nhóm làm việc của họ. Nếu bạn cảm thấy rằng mình đang mất hết “quyền lực” hoặc sức thuyết phục lên người khác, hay như những góp ý của bạn chẳng được đoái hoài, thì bạn nên thôi việc ngay lập tức.

6. Chính bạn không còn yêu thích công việc: Sẽ là bất ổn nếu như công việc của bạn đang gần điểm cực thuận (suboptimal). Thoạt nghe có vẻ nghịch lý nhưng kỳ thực là đúng như vậy. Thử thách càng dễ bị chinh phục, bạn càng cảm thấy nhàm chán. Ngay khi phát hiện ra điều này, bạn cần nhanh chóng tìm cách cải thiện. Và nếu như vẫn còn uể oải, thì bạn nên tìm việc mới để tái khơi nguồn cảm hứng lao động.

7. Khi mọi nỗ lực liên tục đều không mang lại kết quả: Bạn luôn ý thức phải không ngừng cải tiến để có thể tồn tại trong công ty. Nhưng khổ nỗi, công ty của bạn thì lại khác! Dường như cả hệ thống đều rất trì trệ và không muốn đổi mới. Nếu vậy, thì liệu rằng một cánh én đơn độc như bạn có thể làm nên mùa xuân?!

8. Bạn không còn đủ sức chịu đựng sự bất công: Khi phải đối mặt với quá nhiều áp bức (bị buộc làm thêm giờ, bị thất hứa về lương thưởng hay bị đồng nghiệp xấu gièm pha) và nếu nhận được lời mời làm việc từ một công ty khác, thì bạn nên chia tay với công ty của mình. Nhưng hãy tỉnh táo trước khi quyết định. Hãy chứng minh rằng sự ra đi của bạn không phải là sự đầu hàng “số phận” mà là một cơ hội mới để cải thiện tương lai.

LÊ NGUYỄN BẢO NGUYÊN

(Lược dịch từ chuyên đề “IT Career in 2008”

trên Computerworld)