Thursday, May 29, 2008

Đá “sân nhà” khó hơn… “sân khách”?!

Thị trường

THỊ TRƯỜNG CNTT VIỆT NAM:

Đá “sân nhà” khó hơn… “sân khách”?!

Phát biểu tại lễ khai mạc Chợ phần mềm & Giải pháp CNTT 2007 (Softmart 2007, được tổ chức từ ngày 27-30/9/2007), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra một câu hỏi lớn về thị trường phần mềm nội địa: “Cung và cầu liệu đã gặp nhau chưa? Nếu có, thì là ở đâu?”. Và sau 4 ngày làm việc liên tục ở cường độ cao, Softmart 2007 đã làm khơi dậy những ý kiến đóng góp chân thành và đầy tâm huyết nhằm chuẩn bị lần cuối cho chiếc “tàu” công nghiệp CNTT Việt Nam trước giờ “hạ thủy” để đủ sức vượt trên sóng cả của “biển khơi” mênh mông WTO…

CUNG – CẦU:

Kẻ chờ, người đợi!

Theo các báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin & Truyền thông, thị trường công nghiệp CNTT Việt Nam liên tục tăng trưởng với tốc độ cao trong vòng 5 năm qua. Đặc biệt, trong năm 2006, tổng doanh thu của ngành công nghiệp không gây ô nhiễm này đã lên đến con số 3 tỷ USD, trong đó công nghiệp phần cứng máy tính và điện tử là 2.540 triệu USD, công nghiệp phần mềm đạt trên 350 triệu USD và công nghiệp nội dung số là hơn 110 triệu USD. Lần đầu tiên trong lịch sử, doanh thu của phần mềm nội địa đã tăng gấp đôi so với giá trị gia công xuất khẩu.

Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện tiềm năng, thì chúng ta chỉ mới nhìn thấy phần nổi của tảng băng trôi (các doanh nghiệp lớn). Cả một thị trường phần mềm nội địa rộng lớn (các doanh nghiệp vừa và nhỏ) nằm chìm ở bên dưới vẫn chưa được phát hiện và khai phá. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của cả bên mua lẫn người bán. Một số hãng phần mềm Việt Nam hiện đang mắc bệnh “sao”, cứ ngồi chờ khách hàng đến liên hệ. Trong khi, người dùng lại không biết đi tìm người bán ở chỗ nào! Điều gì đã khiến cho khối cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ không “mặn mà” với việc ứng dụng CNTT?

Ông Trần Bằng Việt (Tổng Giám đốc Khối CNTT-TT của Công ty Mai Linh) tâm sự: “Chúng tôi rất khát khao được hợp tác với các doanh nghiệp phần mềm trong nước để đáp ứng 4 nhu cầu lớn của Mai Linh trong việc ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, thật đáng buồn khi các bạn chưa thật sự am hiểu khách hàng tiềm năng. Theo tôi, các bạn hoàn toàn có thể làm chủ “sân nhà” nếu như sản phẩm của các bạn đáp ứng tốt 5 tiêu chí mà người dùng trong nước kỳ vọng. Đó là tốc độ, tính hệ thống, khả năng tích hợp, sự an toàn và đặc biệt là giá thành. Chúng tôi sẵn sàng chi tiền ngay để mua những giải pháp thuộc mô hình Tân (mới) – Tốc (nhanh) – Thực (đặc thù) – Giản (dễ sử dụng)”.

Bàn về chiến lược và định hướng để kích cầu thị trường phần mềm nội địa trong thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Đường (Vụ phó Vụ Công nghiệp CNTT – Bộ Thông tin & Truyền thông) kiến nghị chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư cho ứng dụng CNTT trong cơ quan, doanh nghiệp với tổng đầu tư chiếm ít nhất là 1,5% GDP, sớm hoàn thiện cơ chế – chính sách về đầu tư/mua sắm, xây dựng cổng thông tin công nghiệp phần mềm cấp quốc gia, thành lập trung tâm kiểm định/đánh giá chất lượng phần mềm, v.v…

ASIANUX:

Chất liệu mới để sản xuất phần mềm giá rẻ?

Giá bán của phần mềm nội địa hiện còn quá đắt so với khả năng mua sắm ở đại bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Về lý thuyết, sẽ có 3 phương cách để giảm giá thành sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Thứ nhất, các hãng phần mềm sẽ phải tinh giản nguồn nhân lực theo hướng một người có thể tham gia vào nhiều công đoạn khác nhau trong quy trình phát triển ứng dụng. Tuy nhiên, lúc này, áp lực và khối lượng công việc sẽ tăng cao, mà nếu điều tiết không đúng lúc, thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ giao nộp sản phẩm cho khách hàng. Hơn nữa, nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao (có thể “chạy” theo kiểu “siêu phân luồng”) của Việt Nam bây giờ vẫn đang khan hiếm. Muốn kiếm cho đủ người để thực hiện các dự án đã là không dễ, chứ “đào” đâu ra chỗ dư để tính đến chuyện… cắt giảm nhân sự!

Giải pháp thứ hai đó là chấp nhận tách biệt các bộ phận cấu thành của trọn gói phần mềm cao cấp ra thành những ứng dụng riêng lẻ để đáp ứng nhu cầu cụ thể trước mắt của khách hàng. Nói theo cách dễ hiểu hơn, thì muốn mua bao nhiêu, bán bấy nhiêu hay chỉ cung cấp những thứ mà người dùng thật sự cần đến. Song, về lâu dài, sẽ phát sinh ra một vấn đề còn khó khăn hơn gấp bội lần mà doanh nghiệp nào cũng… “dội”. Khả năng tích hợp các chương trình rời rạc như thế sẽ là rất khó bởi lẽ doanh nghiệp đã mua chúng ở những hãng phần mềm khác nhau (để được giá “hời”?!), mà mỗi nơi đều sản xuất theo cách “đố ai giống được”! Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm nội địa vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào những phần mềm thương mại mang tính chất nền tảng (hệ điều hành, hệ quản trị nội dung và cơ sở dữ liệu, bộ ứng dụng điện toán văn phòng, v.v…). Như vậy, cũng rất khó cho các hãng phần mềm của Việt Nam hạ thấp giá thành sản phẩm một cách đáng kể.

Vậy thì, chỉ còn một giải pháp khả thi nhất đó là tìm kiếm và sử dụng những “chất liệu” miễn phí, trong ngữ cảnh này chính là phần mềm nguồn mở (PMNM). Thật ra, Việt Nam đã tính đến chuyện sẽ phải khai thác PMNM từ năm 2004. Song, tiềm năng và triển vọng của PMNM vẫn chưa được thể hiện rõ nét. Mãi cho đến bây giờ, đặc biệt từ sau sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phong trào PMNM mới bắt đầu hình thành thông qua sự ra đời của khá nhiều phân hệ Linux 100% nội địa do một số doanh nghiệp và cá nhân phát triển, chẳng hạn như Vietkey Linux, CMC Linux, VNLinux, Hacao Linux hoặc thậm chí cả những phiên bản Linux của nước ngoài nhưng được bản địa hóa thành công (Ubuntu, Fedora Core, OpenSuSE, v.v…). Thế thì tại sao chúng ta cần thêm hệ điều hành Asianux (do Liên minh Phần mềm Asianux phát triển mà Việt Nam vừa chính thức gia nhập vào ngày 27/9/2007 trong khuôn khổ Softmart 2007)?

TS. Hoàng Lê Minh (Phó Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM) phân tích: “Vấn đề là ở chỗ ứng dụng PMNM phải tiết giảm đáng kể chi phí bản quyền, nhưng đồng thời đảm bảo chất lượng, tính hiệu quả và sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Hiện tại, Việt Nam chưa có một công ty Tin học nào đủ tầm, đủ lực để tự phát triển và hỗ trợ lâu dài một phiên bản Linux bản địa hóa (tiếng Việt) được nhiều công ty đa quốc gia công nhận hợp chuẩn. Nếu cốt lõi của bài toán PMNM là nhu cầu được hỗ trợ thương mại, thì các tên tuổi lớn trong làng Linux hoàn vũ đã sẵn sàng nhảy vào thị trường Việt Nam từ lâu rồi. Thế nhưng, chúng ta vẫn phải mua bản quyền của họ. Tuy có rẻ hơn so với nguồn đóng, song vẫn là chuyện phải trả tiền. Vậy thì, chẳng khác nào chuyển từ sự lệ thuộc này sang sự phụ thuộc khác! Những dự án thương mại nhưng được tải về sử dụng miễn phí như Ubuntu là không nhiều. Hơn nữa, những phân hệ này liệu sẽ tồn tại trong bao nhiêu năm và có tạo đủ niềm tin để Chính phủ Việt Nam tận dụng nhằm xây dựng hệ thống thông tin cấp quốc gia? Lời giải đúng đắn nhất hiện chỉ có thể tìm thấy ở Asianux. Với phân hệ Linux này, Việt Nam sẽ không bị ràng buộc về bản quyền và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật rất chuyên nghiệp. Ngoài ra, Liên minh phần mềm Asianux cũng hoạt động dựa trên tôn chỉ không can thiệp vào thị trường nội địa của các nước thành viên. Họ chỉ giúp chúng ta sớm có phiên bản Asianux bằng tiếng Việt. Các ứng dụng của Asianux lại được chấp nhận bởi những tập đoàn hàng đầu thế giới, chẳng hạn như Intel, IBM, HP, Dell, Cisco, v.v…”.

Hiện tại, Liên minh phần mềm Asianux đang giúp Việt Nam xây dựng 2 trung tâm hỗ trợ kỹ thuật Asianux tại Hà Nội và TPHCM. Về phần mình, Việt Nam sẽ sớm đưa chuyên gia phát triển PMNM sang làm việc tại Trung tâm Công nghệ Asianux (Bắc Kinh) để phối hợp phát triển công nghệ PMNM với 3 nước thành viên còn lại bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; đồng thời tiến hành nghiên cứu/đánh giá thị trường PMNM dành cho máy tính để bàn và thiết bị nhúng để xây dựng lộ trình phát triển PC và thiết bị mạng thông minh dựa trên các giải pháp do Asianux hỗ trợ cho thị trường phần mềm nội địa.

BAO GIỜ LÊN ĐẾN “CHỨC”… “CÒ”?!

Có một nghịch lý đã tồn tại từ bấy lâu nay trong ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam, mà mỗi khi nhắc đến, doanh nghiệp của ta chỉ biết nhìn nhau rồi… cười! Đó là câu hỏi: “Chúng ta luôn tự hào về nhân lực gia công phần mềm. Chúng ta cũng đã thực hiện được rất nhiều hợp đồng với đối tác nước ngoài. Nói chung là vấn đề xuất ngoại phần mềm tương đối khá. Thế nhưng lại rất khó bán sản phẩm cho thị trường nội địa. Khi cần mua phần mềm, doanh nghiệp trong nước lại phải đi mua phần mềm của… nước ngoài. Có ai ngờ rằng trong sản phẩm ấy đã có sự đóng góp không nhỏ của đôi tay và trí tuệ Việt! Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa?”.

Trước hết, là do cái “bệnh” sùng hàng ngoại của dân ta đã ngấm quá sâu trong nhận thức và hành động. Tuy nhiên, đó chưa phải là cội nguồn của vấn đề. Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, dẫu đã “có của ăn của để”, song vẫn là những người “cày thuê, cuốc mướn”. Trước đây, Ấn Độ rất quyết tâm xây dựng thương hiệu số 1 thế giới về gia công phần mềm. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, họ đang thay đổi chiến lược quảng bá hình ảnh. Thông điệp mà Ấn Độ đang muốn gởi đến các khách hàng “sộp” của họ đó là: Ấn Độ – Ông “bầu” số 1 thế giới về xuất khẩu phần mềm.

Với “thế” và “lực” như hiện nay, sẽ không quá viễn vông để doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có thể mơ đến “chức” “cò”. Cái thiếu duy nhất bây giờ chính là sự đoàn kết nội bộ trong cuộc chiến chống phá giá gia công phần mềm. Một số doanh nghiệp, vì bị hút vào cái lợi trước mắt, đã chấp nhận thực hiện hợp đồng tuy có giá trị lớn đối với thang giá trong nước, nhưng nếu đem so với nước ngoài, thì chỉ là “tiền lẻ”. Nguy hiểm hơn khi doanh nghiệp chấp nhận những dự án nằm ngoài năng lực vì nghĩ rằng mình có thể vượt khó bằng cách “thức khuya dậy sớm” và “cái khó ló cái khôn”! Để rồi, khi thất bại xảy đến hay như chất lượng quá kém so với cam kết, uy tín của cả cộng đồng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến cho nhiều nước đến Việt Nam một lần rồi không bao giờ trở lại đặt hàng “xịn” để ta có được cơ hội thử sức! Ngoài ra, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực của ta cần sớm du nhập và hòa nhập với những chương trình có thể cho “ra lò” những kiến trúc sư phần mềm tầm cỡ để làm “thầy”. Từ đó, mới có cơ sở vươn lên làm “chủ” cả trên “sân khách” lẫn “sân nhà”. Nhưng trên hết vẫn là chất lượng dịch vụ hậu mãi. Đừng để xảy ra tình trạng lúc bán thì “khua chiêng, đánh kẻng” vang dậy, nhưng đến lúc người dùng cầu cứu để khắc phục sự cố phần mềm thì lại tắc trách!

TS. John Vũ - Viện sĩ, Kỹ sư trưởng Tập đoàn Boeing, GS. Đại học Carnegie Melon (Hoa Kỳ) – một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt rất có tâm huyết với nền CNTT-TT của quê cha đất tổ - phân tích: “Thành quả mà Việt Nam đã đạt được quả thật chưa tương xứng với tiềm năng. Doanh thu từ công nghiệp phần mềm có thể sẽ lên đến con số bạc tỷ, thay vì chỉ vài trăm triệu Mỹ kim như hiện nay. Sở dĩ như thế là do chúng ta chưa được nhiều nước trên thế giới biết đến, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nếu chỉ đeo đuổi mục tiêu gia công phần mềm để xuất khẩu, thì Việt Nam sẽ không thể vươn mình ra biển lớn. Giá nhân công của Việt Nam quả thật là một yếu tố hấp dẫn. Tuy nhiên, thế giới đang có xu hướng đi sâu về mặt chất lượng sản phẩm. Nếu không sớm điều chỉnh về mặt chiến lược, thì đến năm 2012, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội nghìn vàng để trở thành một quốc gia mạnh về ICT trong khu vực vào tay của những nước láng giềng, chẳng hạn như Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Âu và Philippines. Việt Nam không thiếu nhân tài nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn cho công tác tiếp thị hình ảnh và thương hiệu Việt thông qua chất lượng sản phẩm thay vì cố gắng hạ thấp giá nhân công để cạnh tranh và thu hút dự án phần mềm của nước ngoài”.

… Cả nước hiện có khoảng 7.000 cơ quan hành chính sự nghiệp, 6.000 công ty Nhà nước và gần 260.000 công ty TNHH. Đây là một thị trường đầy tiềm năng nhưng sẽ chẳng dễ “nuốt” nếu như các doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam quan tâm và đầu tư chưa tới ngưỡng. Với trên 750 doanh nghiệp và 35.000 lao động làm phần mềm chuyên nghiệp, rõ ràng là cung đang chịu áp lực rất lớn từ phía cầu. Nếu không đoàn kết, thì e rằng sẽ không “kham” nổi chiếc “bánh” khổng lồ này. Khi ấy, thị trường phần mềm nội địa sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài ngay vào thời điểm cánh cửa hội nhập WTO của Việt Nam sẽ phải mở toang để đón chào thương nhân quốc tế trong 3 năm nữa. Hơn bao giờ hết, thị trường phần mềm nội địa đang rất cần đến chữ “tâm” và chữ “nhẫn” của các doanh nghiệp Việt Nam.

LÊ NGUYỄN BẢO NGUYÊN