Thursday, May 29, 2008

"Xương rồng" đã nở hoa trên "sa mạc" e-commerce?

Thị trường

TƯ VẤN MUA SẮM QUA MẠNG:

“Xương rồng” đã nở hoa trên “sa mạc” e-commerce?

Chưa bao giờ thị trường cung cấp dịch vụ tư vấn mua sắm qua mạng tại Việt Nam lại sôi động như hiện nay. Tuy nhiên, số lượng Web site đúng nghĩa và thành công có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay! Sau 123mua!Aha - Web site xúc tiến thương mại điện tử rất được Tạp chí danh tiếng Business Week ngợi khen, một “hiện tượng” nữa cũng đã xuất hiện với cái tên VATGIA.COM. Mặc dù mỗi người có riêng chí hướng và cách làm, song tất cả đều cùng chung một khát vọng: biến vùng đất “khô cằn sỏi đá” như thương mại điện tử trở thành “thiên đường mua sắm” dành riêng cho người Việt...

THỊ TRƯỜNG CUNG CẤP DỊCH VỤ:

Nhìn lại & dự báo

Thế kỷ thứ 21 đã trở thành nhân chứng lịch sử cho sự thăng hoa của thương mại điện tử hoàn vũ. “Sải cánh” của những chú “chim đại bàng” như Google và e-Bay đã che kín cả bầu trời e-commerce. Tuy nhiên, khách quan mà nói, thì vào thời điểm này, những huyền thoại như thế chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay.

Còn tại Việt Nam, phải đến năm 2002, khái niệm thương mại điện tử (e-commerce) mới thật sự xuất hiện. Mặc dù cũng có không ít các Web site tư vấn mua sắm trực tuyến ra đời, song tất cả chỉ dừng lại ở mức thông tin một chiều. Nội dung chuyển tải thì rất nghèo nàn và chậm cập nhật. Do không am hiểu thương mại điện tử, khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xem Web site như là nơi để phát... các tờ bướm quảng cáo hoặc bảng báo giá sản phẩm (bản điện tử), thay cho phương thức tiếp thị truyền thống (bản in). Có công ty đã “bê nguyên xi” (scan) danh thiếp của mình rồi đưa lên... Internet! Vì vậy, cũng không có khi là khó hiểu khi thương mại điện tử của Việt Nam trong các năm 2002-2003 bị xem là “hàng kiểng”!

Ba năm sau, diện mạo của e-commerce mang thương hiệu Việt Nam bắt đầu thể hiện rõ nét và sinh động hơn. Chất lượng của nhiều Web site đã được cải thiện đáng kể, do chú trọng đầu tư về mặt công nghệ và nội dung số. Thông tin diễn ra hai chiều và được cập nhật một cách đều đặn. Mô hình chợ đầu mối, siêu thị và cửa hàng trực tuyến đã được người dùng biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, tổng khối lượng và giá trị giao dịch qua mạng là không đáng kể. Phương thức thanh toán chủ yếu vẫn là “cháo” phải múc trước, tiền mới trao sau (lĩnh hóa giao ngân - Cash On Delivery). Nguyên nhân chủ yếu là do người dùng chưa có thói quen đi chợ trên mạng và sự non trẻ của hạ tầng bảo mật phục vụ thương mại điện tử. Đây cũng là giai đoạn mà e-commerce Việt Nam chuyển từ cách làm “ngẫu hứng”, “cầu may” sang cẩn trọng nhưng đầy quyết tâm.

Đến năm 2007, thị trường cung cấp dịch vụ tư vấn trực tuyến đã ghi nhận sự bùng nổ về mặt số lượng các Web site e-commerce làm ăn nghiêm túc. Giải thuật tìm kiếm mà Việt Nam đang áp dụng không hề thua kém so với các cường quốc về CNTT-TT, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Nhật Bản. Xúc tiến giao dịch qua mạng diễn ra ở tốc độ cao và có chiều sâu. Phương thức thanh toán tỏ ra linh hoạt hơn trước đây rất nhiều. Người dùng đã có thể chi trả theo hình thức chuyển khoản cho những mặt hàng chọn mua qua mạng. Lần đầu tiên, Việt Nam đã bắt đầu triển khai mô hình thông tin đa chiều, trong đó chủ nhân của Web site tư vấn mua sắm trực tuyến sẽ làm cầu nối liên kết doanh nghiệp với người tiêu dùng. Kết quả bước đầu cũng rất lạc quan.

Thành công của thương mại điện tử Việt Nam rất đáng được trân trọng và ghi nhận, dù rằng chỉ với ngần ấy sẽ chẳng là nhiều so với những cây “đại thụ” trong làng e-commerce hoàn vũ. Nó là kết quả rút tỉa kinh nghiệm từ bao giọt mồ hôi và nước mắt của doanh nhân Việt Nam. Vậy đâu là bài học thành công? Theo tôi, chủ yếu là do sự đầu tư tới ngưỡng, tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám gánh lấy trách nhiệm của những người trẻ tuổi “có máu Robinson”. Chính sự nhạy bén, năng động, quả cảm, tự tin và đầy quyết đoán của họ đã viết nên những trang nhật ký hồng đầu tiên cho thương mại điện tử Việt Nam. Những nguyên nhân khác cũng cần được kể ra đó là hạ tầng ICT, hành lang pháp lý, sự vào cuộc của các cơ quan hữu trách, nhận thức của người dùng và sự xuất hiện đúng lúc của các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Với tiềm năng và triển vọng như thế, dự báo, đến năm 2010, thị trường cung cấp dịch vụ tư vấn trực tuyến tại Việt Nam sẽ hình thành 3 xu hướng phát triển rõ nét bao gồm tư vấn đơn sản phẩm/chủng loại, dịch vụ tư vấn đa sản phẩm/chủng loại và dịch vụ cung ứng sản phẩm (chuyển đổi từ dịch vụ tư vấn do hội đủ các yếu tố để “ra riêng”). Số lượng Web site sẽ tiếp tục gia tăng nhưng ở mức không đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ sẽ cao hơn vì thị trường mang tính cạnh tranh hơn.

Nói tóm lại, chưa bao giờ, thuyết “tam tài” (thiên, địa, nhân) lại gắn kết với e-commerce của Việt Nam đến “keo sơn” như hiện nay. Có điều, nếu muốn “đi tắt, đón đầu”, thì đòi hỏi bản thân các nhà cung cấp dịch vụ phải không ngừng tìm tòi ý tưởng mới lạ, tách bạch hoạt động của mình với đối tác tham gia và khai thác triệt để hàm lượng nội dung do người dùng đầu cuối (end-users) đóng góp.

VATGIA.COM:

Xây “thiên đường” bằng “giải thuật” “thất trụ”

Trong suốt quá trình điều nghiên thị trường dịch vụ tư vấn mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, chúng tôi thật sự bị thuyết phục bởi VATGIA.COM (xem hình). Đây là một dịch vụ đầy triển vọng, mà đằng sau thành công của mô hình này là cả một câu chuyện giàu cảm xúc đã được viết nên bởi một cái tên khá “kín tiếng” trong làng e-commerce: VN Price JSC.


...Tháng 10/2004, với khát vọng mưu cầu tri thức trước khi nghĩ đến chuyện kinh doanh, anh Nguyễn Ngọc Điệp (hiện là Giám đốc VN Price JSC) đã khăn gói lên đường sang Nhật du học khóa đào tạo thạc sĩ của Trường Đại học Kyoto. Tại đây, anh đã bị choáng ngợp nhưng rồi lại nhanh chóng đam mê nghiên cứu các mô hình thương mại điện tử vốn được xem là thành công nhất lúc bấy giờ của xứ sở hoa anh đào. Hai năm sau, khi đã hấp thụ được bảy tám phần tinh hoa của e-commerce Nhật Bản, anh quyết định trở về Việt Nam để triển khai thử nghiệm. Nói là làm, anh và một số bạn bè đã góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Vật giá Việt Nam (tên viết tắt là VN Price JSC, có trụ sở chính đặt tại 202A Phố Huế, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với lĩnh vực kinh doanh khá rộng. Tuy nhiên, VATGIA.COM (ra mắt người dùng vào ngày 15/7/2007) mới là hoạt động đầu tiên và đóng vai trò xương sống cho những loại hình còn lại của VN Price JSC.

Mặc dù chỉ được xây dựng trong khoảng thời gian ngắn (có 7 tháng), song VATGIA.COM đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Đến với Web site này, bạn sẽ được cung cấp miễn phí mọi thông tin hữu ích trước khi quyết định là nên mua hàng ở đâu để được lợi nhất. Với trên 135.000 sản phẩm (nhiều gấp 5 lần so với một Web site thông thường về tư vấn mua sắm qua mạng) và hơn 1.200 gian hàng trực tuyến hiện có trong cơ sở dữ liệu, VATGIA.COM đã trở thành một trong số ít công cụ tìm kiếm và đối sánh sản phẩm hùng mạnh nhất hiện nay tại Việt Nam. Tính năng độc đáo nhất của nó có lẽ chính là khả năng liệt kê tất cả những sản phẩm phù hợp với giá thành nằm trong ngưỡng do người dùng quy định tìm kiếm. Tất cả đều được thực hiện chỉ trong đôi ba cú nhắp chuột đơn giản.

Hiện tại, mỗi ngày, VATGIA.COM đón tiếp trung bình khoảng trên 5.000 khách truy cập và hỗ trợ thành lập gian hàng trực tuyến cho gần 20 doanh nghiệp thành viên mới. VATGIA.COM cung cấp 3 hình thức thanh toán khi mua hàng qua mạng: trả bằng tiền mặt khi nhận hàng, trả qua tài khoản ngân hàng và trả bằng thẻ tín dụng. Ngoài ra, người dùng còn được cung cấp khá nhiều thông tin hữu ích khác, chẳng hạn như các chương trình khuyến mãi mới nhất của doanh nghiệp và đặc biệt là tính năng bình luận/chia sẻ kinh nghiệm mua sắm sản phẩm giữa những người tiêu dùng với nhau. Tuy nhiên, để giúp người dùng yên tâm hơn khi thanh toán, VATGIA.COM sẽ triển khai tính năng giới thiệu đối tác tin cậy. Theo đó, người dùng chỉ nên giao dịch với những doanh nghiệp đã được VATGIA.COM xác thực và bảo đảm.

Để có được thành công như trên, ít ai biết rằng, tất cả 25 nhân viên của công ty này đã phải làm việc trong một ngôi nhà nhỏ hẹp và bỏ ra gần 16 giờ/ngày, liên tục trong 7 tháng, để thu thập, số hóa và tích hợp dữ liệu cho hệ thống của VATGIA.COM. Chưa hết, không phải lúc nào cũng vận động được doanh nghiệp tham gia. Có khi mất cả tháng trời để giúp họ hiểu được giá trị thực sự của dịch vụ. Với số vốn ban đầu còn khá khiêm tốn, chi phí đầu tư cho quảng bá dịch vụ gần như không có. Tuy nhiên, VATGIA.COM đã được người dùng biết đến nhiều là do nỗ lực “đi cầm loa” để loan tin của mọi thành viên trong công ty, từ sự ủng hộ truyền miệng của bạn bè, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhờ vào bản sắc không thể lẫn vào đâu được của dịch vụ.

Chia sẻ về bí quyết đã làm nên một VATGIA.COM độc nhất vô nhị, anh Nguyễn Ngọc Điệp (hiện là Giám đốc VN Price JSC) thổ lộ: “Để đạt được tôn chỉ “Thiên đường mua sắm” như đã đề ra, chúng tôi đã, đang và sẽ phát triển đầy đủ 7 tính năng lớn cho VATGIA.COM. Nó phải là một công cụ tìm kiếm cho phép người dùng biết được sản phẩm nào là rẻ nhất, tốt nhất, có chất lượng dịch vụ hậu mãi cao nhất, nơi nào có nhiều sản phẩm nhất, công cụ thiết kế gian hàng trực tuyến và khả năng tùy biến giao diện người dùng. Tôi luôn áp dụng lý thuyết về nhà hàng và món ăn trong việc quảng bá sản phẩm của mình. Làm thương mại điện tử cũng gần giống như vậy. Nếu món ăn không ngon, dịch vụ không tốt, thì quảng cáo tốt mấy đi nữa, người ta ăn một lần rồi sẽ không bao giờ đến nữa. Trái lại, cho dù quán ăn có ở tận hẻm cụt, vẫn sẽ luôn có khách hàng chấp nhận ngồi chờ để được phục vụ. Có một điều mà tôi cảm thấy vui mừng đó là nhân viên của tôi rất đoàn kết, chấp nhận vất vả và cam kết gắn bó lâu dài, dù rằng ngay bây giờ họ hoàn toàn có thể đầu quân cho những công ty lớn với đồng lương cao hơn. Với số vốn hạn hẹp, chúng tôi sẽ tập trung cho việc nâng cao chất lượng. Đó là con đường duy nhất để Công ty được trường tồn”.

… Vẫn còn quá sớm để khẳng định về sự thành công của những dịch vụ tư vấn mua sắm qua mạng tại Việt Nam. Bởi lẽ tất cả hiện còn rất trẻ. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định một điều rằng chính những con người như họ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng một e-commerce mang tên Việt Nam. Hơn bao giờ hết, đất nước đang đứng trước cơ hội đuổi kịp mặt bằng chung của thế giới về công nghệ và giải pháp thương mại điện tử. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất đã tạo ra phân cách giữa ta và người, giữa phương Đông với phương Tây, giữa Google với VATGIA.COM, 123mua! hay Aha (xem hình) chính là “thể lực” và sự cam kết tuyệt đối, lâu dài với người dùng.

Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi doanh nghiệp trẻ không chỉ giỏi về tài, mà còn phải vẹn chữ đức. Một cánh chim không làm nên mùa xuân. Nhưng nhiều đàn én chắc chắn sẽ vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp cho thương mại điện tử Việt Nam.

LÊ NGUYỄN BẢO NGUYÊN